Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Khu công nghiệp ở Đồng Nai bị nhóm người quá khích đập phá

Đến chiều 14/5, có khoảng 10 trong số 130 công ty của khu Công nghiệp Amata, Đồng Nai, bị hư hại nặng do nhóm người tự xưng là phản đối Trung Quốc gây nên.
Nhân viên bảo vệ khu công nghiệp Amata ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, cho biết, đoàn người bắt đầu xuất hiện từ rạng sáng 14/5 với cờ Tổ quốc, chủ yếu đi bằng xe máy. Họ xô cửa rào và đập kính khu bảo vệ của một số công ty, bất kể đó có phải là công ty của Trung Quốc hay không. Tình hình tiếp tục xảy ra sáng nay với lượng người kéo nhau đi ước tính đến hàng nghìn người.
amata-1-7216-1400063405.jpg
Tòa nhà Công ty xo so Dong Nai bị đập phá nhiều khu vực bên trong. Ảnh: Thiên Chương
Theo lời các bảo vệ khu công nghiệp, do sự hung hãn của những người dẫn đầu đoàn, chủ yếu là thanh niên trẻ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe nẹt pô và cầm theo gậy gộc, nên lực lượng này chỉ biết đứng nhìn.
Bị đập phá đầu tiên là công ty KMC (Đài Loan) chuyên sản xuất phụ kiện xe máy. Ông Nguyễn Ngọc Quang, phòng Tổng vụ của công ty, cho biết khoảng 0h15 công ty ông bị nhóm người xô ngã cổng và đập kính phòng bảo vệ. Đến 11h, khoảng 800 người quay lại xông vào trong khu vực văn phòng làm việc đập vỡ gần như toàn bộ cửa kính. 
"May mắn không có người bị thương, tuy nhiên thiệt hại về tài sản là đáng kể. Những người này tỏ ra hung hãn, họ tháo tất cả các biển hiệu có gắn chữ Trung Quốc, đập cả ôtô và tháo tất cả các camera an ninh", ông Quang nói. Trước tình hình căng thẳng, 560 công nhân của công ty này đã được cho tạm nghỉ làm.
amata-2-6275-1400063405.jpg
Nhiều thiết bị văn phòng bị đập nát. Ảnh: Thiên Chương
Anh Huỳnh Hỷ, trợ lý tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm - nước giải khát Dona Newtower, cho hay, khoảng 11h30 thì một tốp người kéo đến. "Tôi giải thích đây là công ty Việt Nam thì họ bỏ đi, nhưng sau đó một tốp khác đông hơn kéo đến, thấy biển công ty có dòng chữ tiếng Trung Quốc nên xô ngã hàng rào cổng và xông vào đập phá", ông này nói.
Theo lời ông Hỷ, nhóm người đập phá là những thanh niên trẻ tuổi, mặt mày hung hăng, tay cầm búa, cứ thấy kính là đập. Nhân viên bảo vệ của công ty phải lánh mặt trước thái độ này. Đến 15h, những người có mặt tại công ty vẫn chưa hết hoàn hồn, nhiều mảnh vụn kính và sản phẩm của công ty vẫn còn vương vãi.
"Yêu nước thì không ai phản đối nhưng hành động này rõ ràng là phá hoại, tôi thấy hình như có người cầm đầu, chúng hung dữ leo cả phòng trên lầu một đập phá. Ước tính thiệt hại của công ty XSBD chúng tôi khoảng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể công nhân phải nghỉ làm khiến hàng hóa ùn ứ", ông Hỷ nói.
amta-3-7868-1400063405.jpg
Toàn bộ cửa kính ra vào của tòa nhà chính công ty Dona Newtower bị đập vỡ. Ảnh:Thiên Chương
Cùng cảnh, phòng bảo vệ và cánh cổng Công ty trách nhiệm hữu hạn Yung Chi (Rainbow paints) của Đài Loan cũng tan tành những mảnh kính vỡ. Theo lời của các nhân viên bảo vệ, đám đông xuất hiện khoảng 10h30 sáng nay.
"Khoảng vài trăm người cầm cờ, chạy xe máy, tay mang gậy và búa đã xông vào đập, nói rằng phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép rồi đập kính từ phòng bảo vệ đến khu tiếp tân, khu phòng máy tính, khu kiểm tra chất lượng sản phẩm", anh Trần Văn Tiệp, nhân viên công vụ của công ty nói. Do công nhân mang tâm lý hoảng sợ nên công ty đã quyết định cho nghỉ, chưa xác định thời điểm đi làm lại.
Đại diện ban quản lý khu công nghiệp Amata cho biết có khoảng 10 công ty bị phá hoại nghiêm trọng và hàng trăm công ty bị xô cổng và đe dọa, hầu hết các công ty không phải của Trung Quốc đầu tư. "Trước tình hình trên, đội bảo vệ của chúng tôi gần như bất lực. Hiện phía công an đang tích cực hỗ trợ", một vị đại diện cho biết.
Đến 16h, các nhóm người mang cờ phản đối Trung Quốc (có cả công nhân và những người không xác định) vẫn còn cầm cờ chạy xe máy trong các con đường nội bộ. 17h, lực lượng cảnh sát cơ động đã khống chế và bắt giữ một số người quá khích. Nhóm người này trèo qua hàng rào của một công ty Nhật để phản đối Trung Quốc, bất chấp công ty này đã treo cờ Nhật bên ngoài.
Trên tuyến đường gần cầu Hóa An, đoạn công ty Pou Chen, kéo dài ra đến Quốc lộ 1, không có cảnh đập phá, song cả ngày 14/5, lượng thanh niên cầm cờ, không đội mũ bảo hiểm, gầm rú xe máy vẫn lượn từng tốp.
Có mặt trong đoàn công nhân cầm cờ xuống đường, chị Nguyễn Thị Tuyết và nhóm công nhân công ty ở Amata cho rằng công nhân chỉ phản đối hành động xâm lược chứ không có hành động quá khích. "Chúng tôi phản đối những hành động đập phá vì như vậy là phá hoại", chị này nói.
Nhóm công nhân công ty Pou Chen thì cho biết, những người quá khích đã khiến ngay cả những công nhân của công ty hoảng sợ khi họ xông vào nơi làm việc la lối. "Trong khi chúng tôi phản đối trong kỷ luật thì có những người, chủ yếu là người trẻ, mặt mày bặm trợn, có người còn mặc quần đùi chạy xe la lối, bất chấp luật giao thông", một nam công nhân nói.
Trao đổi VnExpress, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai Nguyễn Thành Trí cho biết, sự việc bắt đầu từ tối 13/5, khi công nhân của các khu công nghiệp tuần hành phản đối Trung Quốc, đã bị một số kẻ kích động, xúi giục đập phá trụ sở, hủy hoại tài sản những công ty trong khu công nghiệp Amata. Lực lượng chức năng ngay sau đó đã có mặt giữ an ninh trật tự, giải thích cho mọi người hiểu về hành vi tiêu cực này.
"Một số người cầm đầu, gây rối đã bị tạm giữ để điều tra, xử lý", ông Trí nói.Hiện lực lượng cảnh sát tỉnh vẫn tiếp tục túc trực ở khu vực này.
Thiên Chương - Hữu Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét